Trong 4 kỹ năng tiếng Nhật: Nghe – Nói – Đọc – Viết thì có thể nói kỹ năng nghe là kỹ năng khó nhất và cũng khiến nhiều người nản lòng nhất khi học tiếng Nhật nói chung và trong 1 kì thi JLPT nói riêng. Để giúp cho các bạn cảm thấy dễ thở hơn trong bài thi nghe JLPT, sau đây là 1 số lời khuyên trong việc luyện nghe tiếng Nhật.
I – Nắm vững từ vựng
Ban đầu khi nghe điều này mọi người có thể nghĩ là không liên quan, tuy nhiên chính việc không nắm vững hết các từ vựng là 1 phần lý do khiến bạn không nghe tiếng Nhật được. Khi bạn không nhớ các từ vựng thì khả năng cao là khi bạn nghe 1 đoạn hội thoại hay chỉ đơn thuần là 1 câu văn, bạn sẽ không hiểu đích xác họ đang nói gì. Và điều ác mộng nhất đó là khi mà bạn không nghe ra và cũng không hiểu được từ chìa khóa trong 1 đoạn hội thoại khi nghe tiếng Nhật hay 1 câu văn khi đọc một đoạn văn. Chính vì vậy lời khuyên là bạn nên cố gắng học các từ mới thuộc trình độ tiếng Nhật mà bạn muốn thi, đồng thời bạn cần phải lắng nghe cách phát âm của từ để đến khi bạn làm bài nghe, bạn sẽ hiểu được và bắt được từ chìa khóa.
II – Nắm vững ngữ pháp
Ngoài từ vựng ra thì việc nắm vững ngữ pháp cũng khá quan trọng. Trong một bài thi nghe tiếng Nhật, mọi cấu trúc ngữ pháp sẽ nằm trong những gì mà bạn đã học. Cũng tương tự như việc học từ vựng, bạn sẽ cần phải học cả ngữ pháp và luyện nghe các đoạn hội thoại liên quan đến từng cấu trúc ngữ pháp. Và nhiều khi, dựa vào ngữ pháp mà từ vựng bạn nghe được cũng sẽ khác biệt đôi chút nhưng nó hoàn toàn có thể khiến bạn không nhận ra. Chúng ta lấy ví dụ từ おわります (Owarimasu – “kết thúc”), khi chuyển sang dạng cấu trúc câu hiện tại tiếp diễn chúng ta sẽ có おわっています (Owatteimasu – “đang kết thúc”). Như vậy là 1 từ đã có sự thay đổi và nếu bạn không nhớ ngữ pháp thì bạn hoàn toàn sẽ không nghe ra từ đã bị biến đổi theo cấu trúc ngữ pháp.
III – Nghe đi nghe lại các đoạn hội thoại
Nếu bạn đang học giáo trình Minna no Nihongo hay bất cứ các giáo trình nào khác, bạn sẽ biết là trong mỗi bài sẽ luôn có 1 đoạn hội thoại để luyện nghe tiếng Nhật, tức là việc của bạn là không chỉ đọc đoạn hội thoại mà còn phải nghe đi nghe lại các đoạn hội thoại đó. Việc nghe các đoạn hội thoại như vậy sẽ khiến cho bạn quen với ngữ điệu của tiếng Nhật và cũng là để bạn luyện nghe tiếng Nhật tốt hơn song song với việc luyện các bài tập nghe. 1 điều thú vị đó là bạn có thể vừa học khả năng nói và cả khả năng nghe thông qua việc nghe các đoạn hội thoại như vậy.
IV – Tập trung bắt các từ chìa khóa
Điều này rất quan trọng đặc biệt trong các bài tập luyện nghe tiếng Nhật giao tiếp. Bình thường khi 1 người tập nghe, anh ta thường sẽ cố gắng nghe được tất cả các câu hội thoại, tuy nhiên điều này khó mà có thể làm được đặc biệt là khi người đó đang trong 1 kì thi JLPT thực thụ. Chính vì vậy 1 chìa khóa khác mà các bạn luyện nghe nên làm đó là bắt được từ chìa khóa. Từ chìa khóa thường là những từ nắm giữ ý nghĩa chính của toàn bài và chỉ cần nắm được nó là bạn có thể nắm được phần lớn nội dung bài nghe. Đây cũng là lý do vì sao mà mọi người cần nắm vững từ vựng (lời khuyên I) bởi sẽ rất là đáng tiếc nếu bạn không bắt được từ chìa khóa chỉ vì bạn không biết từ đó nghĩa là gì.
V – Đọc kỹ đề bài và các phần đáp án, phần câu trả lời
1 trong những lỗi vô cùng nghiêm trọng không phải chỉ riêng trong các bài thi nghe tiếng Nhật mà còn trong các bài thi kĩ năng khác, đó là việc không chịu đọc kĩ đề bài. Nhiều khi chúng ta chỉ đọc lướt qua đề bài và hiểu đại khái yêu cầu đề bài yêu cầu mình phải làm gì, nhưng nhiều khi chính vì đọc lướt qua mà chúng ta hoàn toàn có thể hiểu lầm đề bài hoặc bỏ quên 1 vài chi tiết cần thiết (mà 1 số các chi tiết nhỏ lại đóng vai trò rất lớn).
Ngoài ra chúng ta cũng cần đọc phần trả lời và các đáp án, ví dụ trong bài điền từ chẳng hạn. Để dễ tưởng tượng đề bài yêu cầu bạn điền vào chỗ trống và họ cho bạn 1 đoạn văn, như vậy điều cần làm đó là đọc đoạn văn đó để ít nhất bạn có thể nắm được sơ bộ đoạn văn nói về điều gì, và tốt hơn là nữa là bạn có thể khoanh vùng trong đầu những từ ngữ có thể sẽ xuất hiện trong ô trống. Nếu mà bạn không đọc trước đoạn văn, bạn sẽ dễ bị choáng ngợp và không bắt kịp với đoạn văn vì bạn cần phải vừa nghe, vừa hiểu đoạn văn đang nói về cái gì và điều này dễ dẫn tới thất bại.
VI – Du học Nhật nếu có thể
Nhìn chung thì lời khuyên này luôn đúng, và bạn nên thực hiện nếu bạn có khả năng. Vẫn như các bài viết liên quan tới lời khuyên trong việc học tiếng Nhật khác, liệu điều gì tốt hơn trong việc học tiếng Nhật ngoài việc được học ngay trong chính đất nước, môi trường khai sinh ra ngôn ngữ đó?
Trên đây là 1 số lời khuyên giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc luyện nghe tiếng Nhật. Chúc các bạn thành công và có nhiều niềm vui khi học tiếng Nhật!
Nguồn: sinhvienvanlang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét